Saturday, November 3, 2007

Mã vạch - Bắt đầu và kết thúc



Năm 1932, một học sinh chuyên ngành quản trị kinh doanh tên là Wallace Flint đã viết luận văn thạc sỹ trong đó mô tả một siêu thị mà người mua hàng chỉ cần đục lỗ trên 1 tấm thẻ để đánh dấu lựa chọn của mình. Sau đó tại quầy tính tiền, họ chỉ việc đưa tầm thẻ vào máy đọc, máy sẽ tự động chuyển các mặt hàng mà họ lựa chọn đến quầy. Wallace Flint đã dự báo về sự xuất hiện của mã vạch.
Ngày nay, nền kinh tế Mỹ không thể vận hành nếu thiếu mã vạch. Tất cả bắt đầu vào năm 1948 khi Bernard Silver, khi đó đang là sinh viên trường Drexel ở Philadelphia, nghe thấy một người chủ cửa hàng thực phẩm nói rằng đang tìm kiếm một phương pháp đọc thông tin sản phẩm tự động khi tính tiền. Silver cùng với bạn học là Norman Joseph Woodland nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề đó.Ý tưởng đầu tiên của họ là sử dụng các hoa văn bằng mực đặc biệt, có thể phát sáng khi để dưới ánh sáng cực tím. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là sự không ổn định và giá thành đắt đỏ của mực. Năm 1949, họ đăng ký sáng chế cho “Phương pháp và thiết bị phân loại”, trong đó mô tả phát minh của họ là “phương pháp phân loại hàng hóa ... bằng các hoa văn có thể nhận biết được.” Bằng sáng chế số U.S. Patent 2,612,994 được trao cho họ vào ngày 7 tháng 10 năm 1952. Ban đầu mã sản phẩm của họ có hình “mắt bò”, được tạo bởi nhiều vòng tròn đồng tâm. Thông tin về sản phẩm được mã hóa thông qua sự có mặt hay vắng mặt của một hay nhiều vòng tròn.Woodland về làm cho IBM và IBM đề nghị mua lại sáng chế trên. Vào năm 1962, IBM lại bán sáng chế này cho Philco để rồi công ty này sau đó bán lại cho RCA. Mã vạch mà chúng ta đang dùng hiện nay được sử dụng lần đầu năm 1966; tuy nhiên người ta nhanh chóng nhận ra rằng nó phải được chuẩn hóa. Hiệp hội quốc gia các cửa hàng thực phẩm (NAFC) kêu gọi các nhà sản xuất thiết bị đưa ra các hệ thống đầu đọc cho phép tăng tốc quá trình tính tiền. Năm 1967, một trong các hệ thống như vậy được RCA cài đặt tại cửa hàng Kroger ở Cincinnati. Các mã vạch lúc đầu chưa được in thẳng lên sản phẩm mà được các nhân viên gắn lên chúng dưới dạng các nhãn. Tuy nhiên đã có những trục trặc xảy ra với mã “mắt bò” của RCA/ Kroger.Năm 1969, NAFC đề nghị Logicon Inc. phát triển một giải pháp mã vạch tổng thể cho toàn bộ ngành công nghiệp. Kết quả là sự ra đời của Mã sản phẩm bán lẻ chung (UGPIC). Hội đồng siêu thị Mỹ về mã sản phẩm bán lẻ chung được thành lập và McKinsey & Co. (một công ty tư vấn) đưa ra một định dạng số cho các sản phẩm. Năm 1973, hội đồng quyết định lựa chọn mã UPC (dựa trên đề xuất của IBM) làm tiêu chuẩn công nghiệp.Công ty đầu tiên sản xuất thiết bị mã vạch phục vụ bán lẻ (sử dụng UGPIC) là Monarch Marking Systems (sản phẩm của họ là máy in nhãn). UGPIC sử dụng hệ thống ký hiệu UPC (mã sản phẩm chung). Việc sử dụng các đầu đọc phát triển chậm hơn một chút sau đó. Tối thiểu 85% sản phẩm phải được đánh mã vạch để hệ thống hoạt động có hiệu quả, và khi các nhà cung cấp đảm bảo được điều này vào cuối những năm 70 thì nhu cầu đối với đầu đọc mã vạch tăng nhanh. Năm 1978, dưới 1% các cửa hàng bán lẻ có trang bị đầu đọc. Đến giữa năm 1981, con số đó đã là 10% và năm 1984 là 33%. Ngày nay trên 90% các cửa hàng bán lẻ sử dụng thiết bị này.Tháng 6 năm 1974, một trong số các đầu đọc UPC đầu tiên, được sản xuất bởi NCR Corp., được lắp đặt tại siêu thị Marsh's ở Troy, bang Ohio. Vào ngày 26 tháng 6 năm 1974, sản phẩm đầu tiên gán mã vạch được quét bằng máy đọc tại quầy tính tiền. Đó là 10 gói kẹo cao su Wrigley's Juicy Fruit, được một khách hàng lấy ngẫu nhiên từ ngăn hàng. Hiện nay gói kẹo cao su đó được trưng bày ở bảng tàng lịch sử Mỹ thuộc trường đại học Smithsonian.Mã vạch chỉ thực sự được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp vào năm 1981 sau khi bộ quốc phòng Mỹ áp dụng mã 39 cho tất cả các sản phẩm cung cấp cho quân đội liên bang. Tuy nhiên chính các ứng dụng bán lẻ mới là nhân tố kích thích sự phát triển của mã vạch và các ứng dụng công nghiệp chỉ đi theo xu hướng đó.Silver mất năm 1962 ở tuổi 38 trước khi thấy được các ứng dụng thương mại của mã vạch. Woodland được tổng thống Bush trao huy chương công nghệ quốc gia năm 1992. Chẳng ai trong hai người đàn ông đó kiếm được tiền từ ý tưởng đã khởi đầu một lĩnh vực kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la. Chỉ vài năm nữa thôi, RFID (Radio Frequency ID) (cách nhận dạng sản phẩm thông qua tần số sóng radio) sẽ thay thế mã vạch và các thiết bị đọc. Mỗi sản phẩm sẽ tự phát ra mã của nó và điều này sẽ mở ra một thế giới mới cho các máy in, các hoạt động bán lẻ và mọi ứng dụng mà bạn có thể tưởng tượng ra được.

Frank J. Romano

Electronic Publishing December, 2004

No comments: